SÁCH QUÝ VÀ BẠN VĂN - Tác giả Tạ Duy Anh
.
Mỗi lần in được một
cuốn sách, việc đầu tiên của tác giả là kí tặng bạn bè. Chuyện này đã thành một
thứ...văn hóa, gọi là văn hóa tặng sách.
Vò đầu bứt tóc viết
ra, không ít tai họa tiềm ẩn từ khi mực nhả khỏi đầu bút, vì thế khoe với bạn
bè, muốn họ đọc, xem ra cũng là một việc dễ thương.
Nhưng sự đời thường
oái oăm ngoài mọi hình dung.
Chuyện một nhà thơ
nổi tiếng kể chuyện một nhà văn nổi tiếng mỗi lần nhận sách tặng liền đưa cho
gia nhân ném thẳng vào chuồng lợn, chắc nhiều người đã đọc, xin không nhắc lại
Tôi chỉ kể vài chuyện mình chứng kiến, hoặc ít nhiều trong cuộc.
Chuyện thứ nhất
Một cô bạn từ Mỹ
về, nhờ tôi giúp để cô in một tập truyện ngắn, "chỉ để tặng". Sách
quý phải đến tay những người theo cô là đáng mặt. Và rất may, dịp đó có một
cuộc hội thảo văn học, kéo theo khoảng 20 các loại "nhà" thuộc hàng
khủng long trong con mắt cô. Lập tức cô bạn nhờ tôi giới thiệu cho cô được
đến...tặng sách! Tôi muốn gàn cô lắm, nhưng nhìn vẻ mặt háo hức của cô, tôi
không nỡ. Nhưng tôi bảo cô phải tự đến, thích ai cứ việc tặng. Tối ấy cô nhắn
tin đã tặng được gần trăm cuốn. Cô bảo về Mỹ cô sẽ đọc các phản hồi, bởi bất cứ
ai nhận sách từ tay cô (kèm một nụ cười mê hồn) đều reo lên: sách quý, sách
quý, hơn cả vàng. Có vị còn áp lên mũi hà hít.
Cô bạn tôi vui đến
nỗi nhắn thêm cả một câu lãng mạn mà chả may vợ tôi đọc được sẽ khó mà không
nghi ngờ chúng tôi có...gì với nhau.
Nửa năm sau, từ Mỹ,
cô nhắn rằng: chả ai cho cô một câu phản hồi, dù cô đã ghi email.
Tôi chẳng biết trả lời cô thế nào. Chả lẽ lại nhẫn tâm nói thật rằng không ai cầm theo cuốn sách cô tặng khi ra về với đầy ắp một bụng bia, rượu vang và dồi lợn cắp nách! May có ai cầm thì họ cũng dùng kê đít khi ngồi với bạn gái. Tôi không hề bịa, bởi chính một anh bạn tôi, khi tôi hỏi, cứ ngớ ra lúc lâu mới bảo: nhớ rồi, cô bé từ Mỹ về. Anh mang máng nhớ đã để lại sách trên bàn, bị bia làm ướt và nhân viên dọn đi lúc nào đó không biết.
Chuyện thứ nhì
Một nhà thơ đã
chết, lần ấy vượt mưa gió, đầu ráo áo ướt đến khom người sát đất, xoa tay,
miệng nhỏn nhoẻn tặng một ông nhà giáo kiêm viết phê bình (cũng đã chết) cuốn
thơ anh vừa xúc trộm thóc của vợ đem bán để in vài trăm bản- là chính anh kể
thế. Tất cả diễn ra ngay trước mặt tôi. Nhận sách xong, ông giáo kiêm phê bình
gia hà hít một hồi thứ quý hiếm, cảm ơn rối rít và bảo mình sẽ đọc, thơ của cậu
mình phải đọc.
Giờ không biết dưới mồ ông nhà thơ kia có còn muốn xin cao nhân "vài chữ vàng" như ông giáo đã hứa, hay đã kịp phì cười nhạo mình? May chỉ có thần linh biết. Còn tôi người trần mắt thịt nên chỉ kể chuyện trần gian. Ấy là chỉ sau khi ông nhà thơ xúc trộm thóc vợ, vẫn khom lưng đi giật lùi trở ra độ mươi phút, thì có một ông cũng văn chương từ đâu đến, kèm theo gói thịt vịt quay. Thật tiện cho ông giáo vốn thích đánh chén, vì có ngay cuốn thơ xé ra để trải xuống thay mâm.
Chuyện thứ ba
Một nhà văn thuộc
loại đàn anh, lần ấy ghé tôi trước khi đi dự một hội thảo cuốn tiểu thuyết của
bạn tôi. Ông khiến tôi suýt rớt nước mắt vì cảm động khi bảo lâu không gặp tôi
nên có dịp ông phải ghé thăm. Chưa tàn ấm trà thì ông như buột nhớ ra, hỏi
"À, chú đã đọc cuốn của thằng S chưa (là cuốn mà ông tham gia hội thảo).
Tôi bảo em đọc kĩ là khác. Rồi sau đó, bằng tài năng của một nhà văn đàn anh,
ông khiến tôi tuồn tuột nói một thôi về cuốn sách, cả ưu và nhược, cả kết cấu,
giọng kể và nghệ thuật xây dựng nhân vật...Ông nghe xong vỗ đùi: chú thẩm tinh
thật, có mấy chỗ tôi còn chưa kịp nghĩ đến.
Vài hôm sau, trong bài tường thuật hội thảo, phần phát biểu của ông nhà văn đàn anh (được chua thêm mấy câu búa bổ về tầm vóc, khả năng viết và đọc) là y nguyên những gì tôi nói với ông, với sự chế biến chút ít.
Nhưng chưa hết
Trong một buổi trà
đàm, vẫn những lời ấy, gần nguyên văn, ông khiến một nhà văn đàn em khác chỉ
còn cách chạy ngay đi mua chai rượu ngon nhất đãi ông, bởi đã "phát
hiện" giúp tác giả những điều độc đáo, sâu sắc mà khi viết anh ta không
nghĩ đến.
Tưởng chỉ tôi gặp
những chuyện tương tự. Mới đây nhà văn Vũ Xuân Tửu kể lại chuyện cũng đáng cười
ra nước mắt, về chuyện tặng sách quý cho bạn văn (xin xem ảnh).
Tôi không có tài
cán gì, nhưng nhờ nghề biên tập, tôi có khả năng đọc từ những bài rì-viu mỗi
khi ai đó được tặng sách quý và nhận ra người viết có đọc sách tặng hay không,
đọc cẩn thận hay theo kiểu lướt ván, hay chộp một đoạn để trích, hay nhảy một
phát từ chương đầu đến chương cuối, thậm chí là mấy dòng cuối.
Nhưng tác giả thì
tin lắm vào tình văn, có thể nhẩy cẫng lên, hát vang cả địa cầu như lên cơn cực
sướng!
Vì luôn là SÁCH
QUÝ, được trang trọng ví như rượu quý, thậm chí như bia đá, càng để lâu càng
quý, nên đa số sẽ nâng niu "để dành" .
Cho đến khi nó lặng
lẽ bò ra hàng sách cũ.
Và nếu được thế,
vẫn còn là may. Bởi như thế vẫn còn hy vọng có thân phận, so với những cuốn
sách nằm vĩnh cửu trên giá gỗ hoặc lẫn trong những bãi rác khổng lồ
sách quý cần có người yêu sách để đọc
Trả lờiXóa