TRẦN HUỲNH DUY THỨC - MỘT DOANH NHÂN TIÊN PHONG - Tác giả Khuyết danh
.
TRẦN HUỲNH DUY THỨC
- MỘT DOANH NHÂN TIÊN PHONG
Ông Trần Huỳnh Duy Thức sinh ngày 29 tháng 11 năm 1966 tại Việt Nam trong một gia đình nghèo với tám anh chị em. Thời niên thiếu, Thức biểu thị một niềm đam mê với kiến thức và giáo dục vì ông tin rằng đó là phương tiện đáng tin cậy nhất để giúp đỡ gia đình mình. Thôi thúc bởi ý chí và quyết tâm, ông luôn luôn cố gắng học tập và làm việc cùng một lúc. Với tất cả nỗ lực của mình, ông đã thi đậu vào Trường Đại học Bách Khoa Tp. HCM chuyên ngành công nghệ thông tin.
Đầu năm 1993, Trần Huỳnh Duy Thức mở một cửa hàng vi tính nhỏ. Chỉ một vài tháng sau, cửa hàng của Thức đã có thể tự lắp ráp những chiếc máy vi tính cá nhân đầu tiên. Dù nhỏ, nhưng cửa hàng không chấp nhận làm giảm giá trị thương hiệu EIS của riêng mình, từ chối chạy theo trào lưu thời thượng bằng một nhãn hiệu nước ngoài giả nào đó, cho dù khi đó thị trường Việt Nam vừa được mở cửa rất ưa chuộng hàng ngoại nhập. Cuối cùng, sự quyết tâm đã giúp cửa hàng của Thức tìm thấy thành công đáng ngạc nhiên vì khách hàng bắt đầu đặt niềm tin vào một thương hiệu nội địa nhờ chất lượng sản phẩm và các dịch vụ hậu mãi của nó. Do đó, doanh thu của EIS tăng nhanh, EIS trở thành thương hiệu chi phối phân khúc máy tính gia đình trên thị trường thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1994.
Cuối năm 1994, Thức gặp Lê Thăng Long, người bạn cũ của anh tại trường đại học và khi đó đang thành công ở vị trí giám đốc một công ty liên doanh tại Hà Nội. Anh đã đề nghị Long cùng mình thành lập một công ty mới. Tại thời điểm đó, mặc dù doanh nghiệp tư nhân đã được công nhận hợp pháp, hầu hết người Việt Nam đều cảm thấy an toàn hơn với một công việc tại các doanh nghiệp nhà nước hay các công ty liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Thức và Long là một trong số ít người đã chọn đi ngược lại công thức đó; với hành trang là niềm tin, họ rời bỏ những công việc đầy hứa hẹn tại công ty liên doanh để khởi sự bằng doanh nghiệp của chính mình, qua đó tạo ra một xu thế mới.
Internet đến cuối năm 1997 mới được cho phép sử dụng ở Việt nam nên ngay cả việc sử dụng các công ty tin học Việt Nam cũng chưa biết, huống chi là hiểu về công nghệ. Nhưng công ty EIS đã quyết định nhắm vào thị trường này để cạnh tranh với các công ty nước ngoài sừng sỏ lúc đó như IBM và Spring.
Từ năm 1998 trở đi, Internet chính thức được sử dụng ở Việt Nam, tạo nên một nhu cầu truy cập Internet bùng nổ. Tuy nhiên, thời điểm đó các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) vẫn còn sử dụng công nghệ truy cập analog qua đường điện thoại nên dung lượng và tốc độ truy cập rất hạn chế, không đáp ứng được cho nhu cầu đang tăng rất nhanh. Nhận thấy lỗ hổng trên, công ty EIS đã giới thiệu vào thị trường công nghệ truy cập digital mới nhất vào lúc đó, cho phép mở rộng nhanh dung lượng lẫn tốc độ truy cập nhiều lần so với công nghệ analog cũ. Nhờ vậy Duy Việt thắng thầu nhiều dự án mở rộng hạ tầng Internet trước các hãng lớn nước ngoài, tạo nên một hiện tượng mới lạ.
Năm 2000, công ty TNHH Tin học EIS chuyển đổi thành công ty cổ phần Công nghệ thông tin EIS (EIS, Inc.) với sứ mệnh: “Tiến công mạnh mẽ vào thị trường CNTT quốc tế, chuyển tri thức Việt Nam thành những giá trị cao trong nền kinh tế tri thức thế giới.”
Chỉ 2 năm sau, với 3 công ty con gồm One-Connection Singapore, One-Connection USA và One-Connection Vietnam có mặt ở San Jose (California, Mỹ), Sài Gòn (Việt Nam) và Singapore, EIS đã tự tin và đủ sức cạnh tranh với các đối thủ mạnh trên thế giới lúc đó.
Sau khi ra mắt vào tháng 2 năm 2003, One Connection Singapore nhanh chóng nổi lên thành một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên môi trường Internet toàn cầu. Nhờ thành công về thương mại của công ty, các hãng thông tấn, truyền hình quốc tế và Singapore bắt đầu đưa tin rầm rộ sự kiện công nghệ Việt Nam xuất hiện cạnh tranh vững chãi trên thị trường toàn cầu. Kể từ đó Trần Huỳnh Duy Thức thường được mời và đối đãi trọng thị bởi cơ quan phát triển kinh tế Singapore theo chính sách thu hút nhân tài và đầu tư của họ.
Trong thời gian đó One-Connection Singapore đang phát triển mạnh mẽ sang các thị trường Mỹ, Úc, Canada. Nhưng với một tấm lòng luôn hướng về đất nước, cuối năm 2008 Trần Huỳnh Duy Thức đã thuyết phục Hội đồng quản trị EIS, Inc. thông qua quyết định đưa doanh số ở nước ngoài về Việt Nam để tăng đóng góp cho ngân sách quốc gia. One-Connection Singapore được chuyển thành một dạng như tổng đại lý bán hàng cho One-Connection Việt Nam, nộp hết doanh thu về Việt Nam sau khi đã trừ các chi phí hoạt động cần thiết, trong khi One-Connection Việt Nam trở thành chủ thể cung cấp dịch vụ cho các khách hàng trong lẫn ngoài nước.
Nhưng điều trớ trêu là ngay tại trên quê nhà One-Connection không những không được nghênh đón mà nó còn bị gây khó dễ. Các đối tác nước ngoài dự định làm đại lý cho One-Connection khi vào Việt Nam làm ăn đều bị ngầm “cảnh báo” rằng không nên hợp tác với One-Connection vì nó “ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”. Tháng 3 năm 2009, sở Thông tin – Truyền thông TPHCM ra quyết định buộc One-Connection Việt Nam ngừng cung cấp dịch vụ và xử phạt hành chính, tịch thu các máy móc thiết bị. Không chấp nhận sự vô lý và cường quyền đó nên One-Connection Việt Nam khiếu nại lên bộ Thông tin – Truyền thông. Đồng thời, đến tháng 5 năm 2009, dưới sự chỉ huy pháp lý của luật sư Lê Công Định, One-Connection Việt Nam đã hoàn tất hồ sơ khởi kiện sở Thông tin – Truyền thông Tp.HCM ra tòa án hành chính Tp.HCM, và đang nghiên cứu để kiện ra tòa án Singapore.
Chủ Nhật, ngày 24 tháng 5 năm 2009, Trần Huỳnh Duy Thức bất ngờ bị bắt với thông tin ban đầu là trộm cước viễn thông. Tuy nhiên, một cách vô lý, chỉ một thời gian ngắn sau cả Lê Công Định, Lê Thăng Long đều lần lượt bị bắt và cùng với Thức bị chính quyền cáo buộc tội “lật đổ chính quyền” gây chấn động. Trong khi đó, cáo buộc trộm cước viễn thông đối với Thức đã không tìm ra bất kỳ bằng chứng nào sau hàng tháng sục tìm hệ thống thiết bị và sổ sách công ty, để rồi sau đó được chuyển thành khởi tố “kinh doanh trái phép”. Nhưng đến tháng 12 năm 2009, quyết định khởi tố này cũng không thể tìm được bất kỳ bằng chứng nào dù là mơ hồ nên nó đã buộc phải hủy.
Theo sau việc bắt bớ, One-Connection Việt Nam và EIS, Inc. bị thanh tra thuế toàn bộ quá trình hoạt động hàng chục năm của 2 công ty này trong 3 tháng liên tiếp với lý do liên quan đến “xâm phạm an ninh quốc gia.” Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã không tìm được bất cứ bằng chứng nào cáo buộc các công ty này trốn thuế. Không lâu sau đó, One-Connection Việt Nam bị rút giấy phép, còn dự án mở rộng của EIS, Inc. ra Đà Nẵng để làm trung tâm hỗ trợ khách hàng toàn cầu lại không được cấp phép. Các công ty này chỉ còn cách phá sản, giải thể khi vây quanh là những rào cản và sự cô lập có chủ đích.
Hiện tại, các cựu nhân viên của EIS và One Connection Việt Nam đều đang có những công việc tốt tại nhiều công ty lớn trong và ngoài nước. Có những người có mức lương cao đến 5000 USD/tháng. Cũng có người ra thành lập doanh nghiệp và cũng khá thành đạt. Tất cả họ đều ghi nhận EIS là một lò đào tạo nhân tài và Trần Huỳnh Duy Thức không chỉ là người lãnh đạo có tầm nhìn mà còn là một người thầy tận tụy, một huấn luyện viên giỏi, luôn biết truyền cảm hứng, nhiệt huyết và lòng tự hào về Việt Nam cho họ.
Nhận xét
Đăng nhận xét