TÔI LẠI BUỒN - Tác giả Phạm Xuân Nguyên

 .

Khi tôi đưa lên facebook cuốn sách in năm 1999 ba tiểu thuyết của Milan Kundera do tôi dịch mà tôi đề tặng nhà văn Phạm Thị Hoài năm 2002 bị bán sách cũ tôi đã cảm thán một sự buồn. Mới đây Hoài có bài viết nhan đề “Buồn ơi, nhẹ thôi” (nghe như nhại Francois Sagan) nói thân phận lưu vong của mình mang theo tiếng Việt mẹ đẻ đã mệt, nói chi còn mang được sách vở.

Hôm nay người bạn trẻ (nói trẻ nhưng cũng đã hơn bốn mươi) ở Sài Gòn đã mua lại cuốn sách tôi tặng Phạm Thị Hoài ấy, lại gửi tiếp cho tôi một cuốn nữa mà bạn đó mua lại được từ hàng sách cũ với lời nhắn “Lại cuốn nữa trôi nổi ạ”. Đó là tập sách viết của tôi nhan đề “Nhà văn như Thị Nở” in năm 2014 với lời ghi tôi ghi tặng “Sách của anh Đặng Hiển” vào đúng năm ra sách.

Anh Đặng Hiển sinh năm 1939, học khoá I khoa Ngữ Văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội) từ năm 1956. Sau này anh dạy văn phổ thông, viết thơ và viết phê bình ở Hà Tây. Anh đã mất năm 2020.

Tôi biết anh Đặng Hiển khi Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tây sáp nhập vào Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội theo sự sáp nhập tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội năm 2008. Anh có tặng tôi vài cuốn sách của anh và tôi vẫn giữ. (Tiếc là để bộn bề trên giá sách nên chưa lục lại được để chụp đưa lên đây.)

Dẫu anh Đặng Hiển không lưu vong như chị Phạm Thị Hoài thì việc thấy lại cuốn sách tặng của mình như thế này vẫn làm tôi lại buồn.

Khi đọc bài Hoài tôi có ghi lại một ý nghĩ bất chợt của mình: “Tôi sẽ xé trang có lời bạn đề tặng tôi nếu như tôi không thể mang được cuốn sách bạn tặng tôi khi xa nước, để tránh cho bạn một nỗi buồn thấy sách mình tặng bị đem bán sách cũ. Bạn thấy đó là nỗi buồn hơi nhẹ. Tôi thì không.

Có lẽ, những ai biết mình không thể mang theo sách được tặng thì đều nên xé trang đề tặng đi. Phòng khi sách bị trôi nổi sa vào hàng sách cũ thì không làm xấu mặt mình và mặt người tặng sách mình.

Dễ thôi mà, chỉ là đơn giản một động tác xé cái trang đầu sách.


Nhận xét