THƠ KHÁC VĂN XUÔI NHÀ THƠ ĐỪNG XÍ XỘ THÀNH NHÀ VĂN! - Tác giả Nguyễn Hoàng Đức

 .

Hội nhà thơ thì khác hẳn Hội nhà văn, đấy cũng là chuẩn mực và đạo đức căn bản như “ngô ra ngô, khoai ra khoai”, nếu không sẽ thành thứ “nôm na mách qué”, dở ông dở thằng. Bằng chứng sờ sờ, Hội nhà văn không ra nổi báo thơ vì sợ không ai đọc. Kêu gọi các nhà thơ bỏ tiền tí tẹo mua tờ thơ của mình, nhưng chính các nhà thơ cũng im lặng ở mức tẩy chay, mà nói thẳng ra: họ không tin thơ của mình, của nhau và thậm chí khinh thơ. Hội đã phải in kèm mấy trang thơ ép lẫn trong văn, tưởng nó là thứ nhân cho bánh mì, nào ngờ tất cả coi như gánh nặng một sọt rác đính kèm vào văn?!
Danh có chính ngôn mới thuận. Nguyễn Đình Thi dù sáng tác 2 tổ khúc “Diệt phát xít” và “Người Hà Nội” ngang ngửa nhạc sĩ lớn, viết nhiều vớ kịch gồm “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”… viết văn xuôi như “Xung Kích”… nhưng ông nhất khoát tự hào và nhận ông là Nhà Thơ.
Hữu Loan học vấn cao ngang ngửa Nguyễn Đình Thi (cùng học), cả đời ông dù thăng trầm khốn khổ lên voi xuống chó, ông kiêu hãnh nhận mình là Nhà Thơ. Cho đến tận lúc sắp lìa đời ông vẫn giữ nguyên bản chất thuần tuý là nhà thơ. Khi được trả một số tiền lớn cho một bài thơ, ông đã từ chối theo đúng bản tính thuần khiết của thơ “Thơ để đọc chứ không để bán!”
Phan Khôi một học giả uyên bác hàng đầu, đã chú mục cách tân chỉ một bài thơ như bản lề cho thơ Mới với bài “Tình già”.
Vũ Hoàng Chương cũng nghênh nganh kiêu hãnh chỉ với thơ như ông hòang của “Thơ say” và tuyên xưng thơ “Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ”…
Tản Đà một vua thơ cũng từ ngai vàng thơ tìm cách chuyển sang ngai da của văn xuôi, như một kẻ đầu tiên muốn kê ngai da đó…
Thơ khác văn xuôi cái gì? Thơ cần vần điệu, nói chính xác ra là tính Nhạc trong thơ. Còn nếu đưa nhạc tính vào văn xuôi nó sẽ hoá thành chè nát, một thứ vữa không tự xây lên tường. Văn xuôi là cuộc đời, nó đòi hỏi chắc nịch, va đập, thô ráp, bền bỉ như bổ củi hay xây móng. Chứ không thể là thơ nhảy nhót vài cú thăng hoa lãng đãng xem trăng ngắm cảnh…
Đặc biệt, văn xuôi đòi hỏi logic, không có óc logic thì không thể viết văn xuôi. Tuy nhiên một người viết thơ trường ca thì cũng đòi hỏi logic. Nhưng than ôi nửa nghìn trường ca của hội tem phiếu ta không có nhân vật và sự kiện, và cũng chẳng cần logic.
Người Việt làm thơ, chủ yếu là xoan xẩm nông nhàn, rồi tâm lý đánh lấn, ít học làm vài bài thơ cảm xúc, xin vào hội theo danh nhà thơ, thế là tự nhiên có xuất “vé kèm”. Được ít lâu sau, tự nhiên coi mình là nhà văn vì mình đang ở trong hội nhà văn. Tình hình này rất nặng, có nhiều nhà thơ kể cho tôi: anh kia đứng lên diễn đàn, gọi tất cả các nhà thơ là nhà thơ, nhưng lại tự mình xưng là nhà văn. Và tình hình ngày càng lan rộng. Có một người hiểu biết mới viết: “nhà thơ lây lan như nạn ghẻ”…
Con người không đàng hoàng như ngô ra ngô – khoai ra khoai thì không có đạo đức! Con người đánh lấn từng tí một, từ nông dân lội ruộng lên bờ thành nhà thơ, từ nhà thơ vào hội đông người có con dấu ù xoẹ thành nhà văn… giời ơi làm sao có tài được mà cứ mơ hão. Mơ thế khác gì bảo con dấu làm nên lâu đài?!
Chúng ta đã ưu tiên nhiều nhất với thơ và châm chước cho thơ, khi được cả nể lâu, mấy nhà thơ ù xoẹ tưởng mình có tài, thế là họ đóng cửa giữ rịt con dấu chỉ mở và cộp dấu cho mình và cánh hẩu, nên nền văn chương bao cấp tem phiếu mới hủ lậu thối nát bất tài như bây giờ. Vậy trước hết chúng ta đòi mỗi tác giả phải trở về đúng vị trí của mình, không có óc logic, không viết được một tiểu luận nhỏ, đừng có nhận mình là nhà văn!
Paul Đức 14/6/2022

Nhận xét