NỖI OAN KHIÊN NÀY CÒN TỚI BAO GIỜ? - Tác giả Vũ Lương

 .

Hôm nay là ngày 9 tháng 7, ngày tưởng nhớ cụ bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long) bị xử tử tại Đồng Bẩm - Thái Nguyên!

Vì sao một ngươi phụ nữ yêu nước như cụ bà lại có thể bị xử tử?

Đó là những câu chuyện rất lạ của một thời lịch sử. Khi một người như cụ bà bị oan như thế, nghĩa là sẽ có cả hàng ngàn, hàng trăm ngàn người bị oan khuất...

Tự điển Bách Khoa Mở ghi rằng bà Nguyễn Thị Năm (sinh năm 1906 - chết ngày 9 tháng 7 năm 1953), quê ở Làng Bưởi, ngoại thành Hà Nội), là một địa chủ có công đóng góp rất nhiều tài sản cho Việt Minh và nuôi cán bộ, chiến sỹ trong kháng chiến chống Pháp.

Trong những tháng đầu tiên mở đầu cho cuộc Cải cách ruộng đất, bà là người đầu tiên bị xử tử.

Bà nguyên là Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên.

Bà còn được gọi là Cát Hanh Long vì đây là tên một hiệu buôn do bà làm chủ ở Hải Phòng.

Bà vốn giỏi làm ăn trên đất cảng Hải Phòng, và đã làm nhiều nghề khác nhau trong đó có buôn bán sắt vụn, và đã sớm thành đạt trên thương trường, sau đó bà xây nhà tậu ruộng như thói tục của người xưa vừa làm ăn nơi thành thị vừa bám sát với thôn quê.

Trong những năm đầu cách mạng, bà được nhà văn Nguyễn Đình Thi vận động , thuyết phục nên bà Nguyễn Thị Năm đã đóng góp nhiều tiền bạc, vải vóc, nhà cửa cho Việt Minh.

Sau năm 1945, bà Năm tản cư lên chiến khu, và mua lại hai đồn điền lớn của "một ông Tây què" tại Thái Nguyên.

Hai con trai bà đều đi theo kháng chiến. Trước Cách mạng tháng Tám, gia đình bà từng ủng hộ Việt Minh 20.000 đồng bạc Đông Dương (tương đương bảy trăm lạng vàng lúc bấy giờ) và sau đó giúp đỡ nhiều vật dụng, thóc gạo, vật tư y tế và nhà cửa.

Khi chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức "Tuần lễ vàng", bà đóng góp hơn 100 lạng vàng.

Trong suốt thời gian kháng chiến chống Pháp, bà Nguyễn Thị Năm tham gia các cấp lãnh đạo của Hội Phụ nữ của tỉnh Thái Nguyên và Liên khu Việt Bắc, trong đó có 3 năm làm Chủ tịch hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên.

Khi thực hiện lệnh "tiêu thổ kháng chiến", bà đã cho san bằng khu biệt thự Đồng Bẩm tại Thái Nguyên.

Nhiều cán bộ cách mạng, nhiều đơn vị bộ đội thường tá túc trong đồn điền của bà.

Bà Nguyễn Thị Năm cũng từng nuôi ăn, giúp đỡ nhiều cán bộ Việt Minh sau này giữ những cương vị quan trọng như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Hoàng Hữu Nhân, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Tùng, Vũ Quốc Uy, Hoàng Thế Thiện, Lê Thanh Nghị...

Khi Cuộc cải cách ruộng đất triển khai vào năm 1953, những hành động yêu nước của Nguyễn Thị Năm bị cố vấn Trung Quốc cho là "giả dối nhằm chui sâu, leo cao vào hàng ngũ cách mạng để phá hoại." và bà trở thành địa chủ đầu tiên bị đem ra "xử lý". Bà bị lên án với tội danh "tư sản địa chủ cường hào gian ác".

Trong bài viết "Địa chủ ác ghê" của C.B - trên báo Nhân dân ngày 21 tháng 7 năm 1953 có kể tội bà là :

Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người... Giết chết 14 nông dân/ Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân...". Cũng theo đó, Nguyễn Thị Năm đã "thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, chúng đã thông đồng với giặc Pháp và Việt gian bù nhìn để phá hoại kháng chiến" và cũng theo đó thì Nguyễn Thị Năm "không thể chối cãi, đã thú nhận thật cả những tội ác".

Theo hồi ký Trần Huy Liệu, lúc đó là uỷ viên Thường trực Quốc hội, thanh tra Cải cách Ruộng đất tại Thái Nguyên, thì cuộc đấu tố bà Năm được tổ chức ngày 22 tháng 5 năm 1953, với sự tham dự của gần 1 vạn người.

Cũng theo ông Liệu, hai con trai của bà Năm lúc đó cũng bị đưa từ Trung Quốc về thẳng trại cải tạo tới năm 1956 mới được trả tự do!

Sau những cuộc đấu tố với đủ các thứ tội ác được gán ghép bà đã bị đem ra xử bắn ở Đồng Bẩm, tỉnh Thái Nguyên vào 29 tháng 5 âm lịch (tức 9 tháng 7) năm 1953 và được báo chí đương thời coi là phát súng hiệu cho một cuộc vận động "long trời lở đất"...

Theo Trần Đĩnh viết trong hồi ký “Đèn cù” thì lúc bấy giờ ông là phóng viên báo Nhân dân được Trường Chinh cử viết bài tường thuật về vụ đấu tố này. Tác giả Trần Đĩnh mô tả trong hồi ký “Đèn cù“ qua lời kể của Tiêu Lang, phóng viên báo Cứu quốc trong đội cải cách: "Khi du kích đến đưa bà ta đi, bà ta đã cảm thấy có gì nên cứ lạy van "các anh làm gì thì bảo em trước để em còn tụng kinh." Du kích quát: "Đưa đi chỗ giam khác thôi, im!." Bà ta vừa quay người thì mấy loạt tiểu liên nổ ngay sát lưng.”

Gần 70 năm trôi qua, người ta chỉ sửa sai “hạ thành phần” nhưng chưa hề minh oan và trả lại danh dự cho một người phụ nữ yêu nước đã bị xử bắn oan uổng!

Nhân ngày giỗ bà, xin đưa lại những tư liệu này như một nén hương thơm kính dâng lên hương linh còn ngập tràn oan khuất của Bà!"


Nhận xét