NHÂN CÁCH CỦA NHÀ VĂN - Tác giả Khoa Trần

 .

Nhân có câu chuyện lùm xùm trên mạng về việc chính quyền thành phố HN không tài trợ tài chính cho một số nhà văn trẻ đi dự hội nghị gì đó, nhớ đến nhà văn- học giả Nguyễn Hiến Lê và chuyện nhân cách của người cầm bút.
Nguyễn Hiến Lê, hiệu Lộc Đình, sinh năm 1912 tại Hà Nội.
Ông là nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà dịch thuật, nhà tâm lý xuất sắc của VN thế kỷ 20.
Suốt cuộc đời hơn 70 năm của ông, ông đã để lại vài trăm tác phẩm có giá trị về nhiều lĩnh vực: văn chương, lịch sử, dịch thuật, giáo dục, kỹ năng sống... và đến hôm nay, nhiều tác phẩm của ông vẫn được nhiều người ưa thích như:
— Quẳng gánh lo đi và vui sống ( sách dịch)
—Đắc nhân tâm bí quyết thành công ( sách dịch)
—Con đường thiên lý( du ký)
—7 ngày trong đồng Tháp Mười ( du ký)
—Sử Trung Quốc
—Đại cương triết học cổ đại TQ( viết chung với Giản Chi)
.....
Nhưng, hãy không nói đến các tác phẩm của ông, mà từ cuộc đời ông, nghĩ về cái nhân cách của người cầm bút phụng sự cá nhân mình và xã hội.
Suốt cuộc đời, Nguyễn Hiến Lê tâm niệm một điều: người viết văn sẽ không được ăn lương của bất cứ chế độ nào, để cho ngòi bút của mình không bị bẻ cong, chỉ ca ngợi cái đúng và phê phán cái sai.
Vì vậy, khi bỏ việc nhà nước( ông từng là nhân viên đo đạc của Sở công chính SG), để chuyển sang nghề viết, ông đã từ chối mọi lời mời của các tổ chức nghiệp đoàn, mà muốn là một người cầm bút tự do, viết những gì mình thích và cho là đúng đắn.
Ông không ăn lương của bất cứ chế độ nào, cả 2 nền đệ nhất và đệ nhị cộng hoà.
Năm 1972, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu trao cho ông một giải thưởng văn hoá với số tiền lên đến vài chục cây vàng, ông cũng từ chối và không đến dự lễ trao giải.
Ông tự thành lập nhà xuất bản gọi là nxb Nguyễn Hiến Lê, chỉ in sách của ông, lời ăn lỗ chịu, không cần ai góp vốn, vậy mà từ việc viết sách ông nuôi được vợ con, tậu nhà ở Sài Gòn và Long Xuyên.
Sau 1975, ông được đối xử như một trí thức yêu nước, nhưng ông khước từ mọi đặc ân mà chính quyền mới giành cho ông.
Có lần ông đau bao tử, chính quyền thành phố muốn đưa ông vô bệnh viện Thống Nhất, nơi có các bác sĩ giỏi để chữa trị, ông từ chối và nói:
— tôi có cống hiến gì đâu mà vô đó chữa bệnh, vô đó người ta gọi tôi là đồng chí thì kỳ lắm....
Ông sống lặng lẽ qua 3 chế độ: Pháp, Sài Gòn và cộng sản, và ở chế độ nào thì ngòi bút của ông vẫn chỉ có một mục đích, ấy là quảng bá cho văn hoá truyền thống của dân tộc và đưa tinh hoa văn hoá thế giới vào VN.
Ông mất tại Long Xuyên năm 1984. Hài cốt ông được thiêu và đặt hũ tro ở một ngôi chùa huyện Lập Vò, Đồng Tháp.
Một nhà văn hoá lớn, một nhân cách cao cả, và là một trí thức theo đúng nghĩa của từ này.
Thành phố HCM bây giờ có một con đường mang tên ông. Hẳn là lúc sống, không bao giờ ông nghĩ tới điều đó..
( Nha Trang 16/6/2022)

Nhận xét