NĂM DẦN NGHĨ VỀ “NGƯỜI HÓA HỔ” VÀ “TRÂU HÓA HỔ” - Tác giả Nguyễn Anh Tuấn

 

Hơn 900 năm trước, trên mặt hồ Tây, còn gọi là hồ Dâm Đàm- hồ Mù Sương đã xảy ra một vụ án oan khuất mà cho tới thế kỷ 20 vẫn chưa giải xong nỗi oan. Đó là chuyện vị Thái sư đương triều Lê Văn Thịnh mà công lao phụ quốc đang lớn tựa núi thái sơn bỗng dưng bị mắc tội tày đình, cái tội đáng phải giết cả ba họ: Chuyện xảy ra chớp nhoáng trên mặt nước phía Tây kinh thành Thăng Long này đã thiêu hủy toàn bộ công lao và thanh danh của một vị đệ nhất công thần thời Lý! Tất cả sử sách chính thống trong nhiều thế kỷ và các lời truyền miệng - dù chi tiết có khác nhau, có nhiều dị bản, và tuy có nghi vấn, nhưng tựu chung lại đều kể về chuyện Lê Văn Thịnh hóa hổ trên hồ Dâm Đàm để dọa vua Lý Nhân Tông, nhằm đoạt ngôi báu! Có một điều trùng hợp khá lạ lùng là: Thái sư Lê Văn Thịnh sinh vào năm Canh Dần (1050), tới nay là hơn 16 Hoa Giáp! Sinh thời, ông có dáng người đi và ngồi tựa hổ (chi tiết này khi tôi kể lại trên nền nhà cũ của cụ Lê Văn Thịnh tại Đông Cứu - Gia Bình Bắc Ninh, TS-nhà nghiên cứu Phật học Lê Mạnh Thát tỏ ra cực kỳ thích thú), và định mệnh quái ác lại khoác cho cụ cái án hóa hổ dọa vua!
Tai họa ấy đã được kể lại một cách mơ hồ, đầy tính hoang đường như sau trong hai cuốn sách "Việt điện u linh" và "Lĩnh Nam chích quái" thời Trần: Quan Thái sư Lê Văn Thịnh nuôi được một tên gia nô người Đại Lý (Vân Nam) có phép thuật kỳ lạ: đọc thần chú xong biến hình thành hổ báo, Văn Thịnh cố dỗ để dạy mình thuật ấy, học được thuật rồi liền lập mưu giết tên gia nô và định dùng thuật hại vua để cướp ngôi. Tháng 3 năm Bính Tý 1096, vua Lý Nhân Tông cùng thái sư đi thuyền chơi hồ, xem đánh cá. Bỗng nhiên sương mù nổi lên dày đặc, rồi có tiếng chèo rào rào của một chiếc thuyền xáp đến. Vua cầm giáo phóng, thì sương tan, trên chiếc thuyền xáp đến nọ thấy một con hổ chực vồ vua. Người chài lưới là Mục Thận quăng lưới chụp lấy, thì trong lưới lại chính là… Lê Văn Thịnh! Ông bị bắt ngay, lẽ ra phải tội tru di, nhưng vua xét người có công, “thương tình” cho đi đày biệt xứ miền Thao giang, đến tận ngày qua đời…Vua khen Mục Thận đã có công cứu vua, cất làm Đô uý và sau thăng tới Phụ quốc tướng quân. Khi mất, tặng chức Thái uý. Vua sai dựng đền tạc tượng thờ (Đền thờ Mục Thận chính là Đình làng Võng Thị, quận Tây Hồ ngày nay, có dịp mời các bạn ghé thăm).
Điều đáng nói là, từ câu chuyện đầy hoang đường đó đã hình thành một nghi án mà trong suốt mấy trăm năm sau đó, sách sử phong kiến đã không một lần tìm cách lý giải tới cội nguồn sự thật. Trước sau trong sử không hề ghi ông có hiềm khích, thù oán, xung khắc gì với triều đình, với vua và Hoàng Thái hậu; sử sách cũng không hề ghi ông có phe nhóm, bè đảng và âm mưu gì. Hơn 900 năm trôi qua, sự việc ở hồ Dâm Đàm vẫn treo trên đầu các thời đại một câu hỏi lớn.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư và các bộ sử khác ở nhiều triều đại đều chép lại gần như nguyên xi ”Việt điện u linh” và cho rằng Lê Văn Thịnh mắc tội phản nghịch là có thực, lẽ ra phải khép vào tội chết. Có trọng “tội” mà không bị giết nhưng vẫn là một nhân vật mưu phản trong suy nghĩ của nhiều người.
Các sách khác như Việt sử lược, Lịch triều hiến chương loại chí, v.v cũng không thoát khỏi sự nhìn nhận khắt khe đối với cái gọi là tội lỗi của Lê Văn Thịnh! Vua Tự Đức là người nổi tiếng về văn chương khi ra Thăng Long, đi trên hồ Tây đã làm thơ về Lê Văn Thịnh như sau (có trong đình làng Võng Thị, quận Tây Hồ): “Văn học toàn dùng để tiến thân/ Học thâm tôi tớ thuật kỳ gian/ Giáo thần ném tới tà ma hết/ Hổ quỷ nguyên hình chính đại thần” (Dịch từ chữ Hán).
Sương mù hồ Tây dường như muốn nhấn chìm mọi trang sử sách trong ẩn số, hay muốn thử thách lòng trung thực và sự dũng cảm của con người trước công lý? Cho đến già nửa sau thế kỷ 20 - dựa trên những sử liệu và dư luận sẵn có, một tác giả viết kịch hát có uy tín đã dựng lên một nhân vật gian thần ác độc, nhiều mưu mô thâm hiểm và nhiều tội lỗi khủng khiếp, nhân vật đó mang tên: Thái sư Lê Văn Thịnh! Vở chèo này đã được trình diễn ở nhiều nhà hát, nhiều chiếu chèo trên toàn quốc, được khán giả say mê hoan nghênh rầm rộ, và được giải thưởng hội diễn không ít lần! Gần chục cuốn sách thời nay viết về đền miếu, thành hoàng làng mà tôi có trong tay cũng cố tình "lờ" đi tên tuổi Lê Văn Thịnh - dù ông được thờ làm phúc thần ở không ít nơi!
Câu chuyện về vụ án còn khá dài, liên quan tới cả một vùng quê Kinh Bắc mà Tuấn cận tôi đã làm thành phim tài liệu, với tên: “Vụ án hồ Mù Sương”.
Còn trong thời nay, mới nhất lại là chuyện “án oan” của Trâu, khi con trâu hiền lành trong đời sống và tâm thức Dân tộc bị khoác vỏ “Ông Ba Mươi”! Giáo sư Tương Lai có một tâm sự dài đầu Xuân, xin được trích đoạn ông viết về sự kiện “Trâu hóa hổ” trong Lễ Tịch điền rất phản cảm vừa qua:
“... trở lại với những nét vằn trên lưng con trâu giả hổ kia, suy cho cùng, nói lên sự lạc hậu của trình độ cán bộ, quan chức được đào tạo theo một quy trình được tụng ca là chặt chẽ và nghiêm minh, nhưng thật ra nó cũng dối trá như cách dựng “hổ giả” kia. Vì không được học hành cẩn thận, “học giả bằng thật”, trong quy trình “thân quen” với sự công khai cái “giá biểu làm bằng giả” để kiếm được cái “ghế thật” đã tạo ra một lớp quan chức có ý tưởng kỳ quặc vẽ “vằn hổ” lên “lưng trâu”, đem cái ác quen ứng xử với dân trùm lên cái thiện vốn có của cuộc sống hàng ngày rất gần gũi, nhân ái “Trâu ơi ta bảo trâu này, Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”, Cấy cày vốn nghiệp nông gia, Ta đây, trâu đấy…”
Thật ra cũng chỉ là chuyện con trâu, con hổ vào năm con trâu chuyển sang năm con hổ, nhưng oái oăm thay, nó lại trưng ra trước bàn dân thiên hạ một hiện tượng văn hoá rất phi văn hoá vào lúc đang rầm rộ mở ra những hội thảo, hô hào, răn dạy rùm beng về văn hoá…” (Tiếng chim hót và tiếng hổ gầm - Vanvietinfo).
( Tranh của họa sĩ Nguyễn Anh Lanh minh họa cho ảo ảnh/ ý đồ hãm hại cụ Lê Văn Thịnh trên Hồ Tây - đã sử dụng trong phim “Vụ án hồ Mù Sương”).

Nhận xét