VỀ VIỆC NGUYỄN HƯNG QUỐC ĐĂNG HAI BỨC THƯ CỦA NGUYỄN HUY THIỆP - Tác giả Phan Nhiên Hạo

 .

VỀ VIỆC NGUYỄN HƯNG QUỐC ĐĂNG HAI BỨC THƯ CỦA NGUYỄN HUY THIỆP

Vài ngày trước đây Nguyễn Hưng Quốc có đăng hai bức thư của Nguyễn Huy Thiệp trên facebook. Thư thời điện tử nên gởi qua email, năm 2008. Hai bức thư rất thú vị và có giá trị trong việc tìm hiểu Nguyễn Huy Thiệp như một nhà văn. Tuy vậy, lúc đọc hai bức thư, tôi tự hỏi việc đăng chúng lên như vậy có hợp lý không. Hôm nay thấy Nguyễn Hưng Quốc trả lời những người chỉ trích ông việc đăng hai bức thư của Nguyễn Huy Thiệp, tôi tìm hiểu một chút về vấn đề bản quyền liên quan đến thư tín. Tôi không phải luật sư, nên những ý kiến tôi đưa ra sau đây chỉ để tham khảo.
Theo Nguyễn Hưng Quốc, việc đăng công khai thư tín của các tác giả văn học gởi cho mình là điều bình thường. Ông nêu ví dụ các cuốn sách tập hợp thư tín như The Letters of T.S. Eliot và Thư Võ Phiến. Cuốn sau do chính Nguyễn Hưng Quốc làm. Theo tìm hiểu của tôi, vấn đề không đơn giản như vậy.
Theo luật bản quyền của Mỹ và có lẽ của Úc nữa, bản quyền trên “nội dung” của các bức thư thuộc về người gởi chứ không phải người nhận. Người nhận chỉ sở hữu cái hình thể “vật chất” của bức thư, tức là tờ giấy mà bức thư được viết lên hoặc email mà qua đó bức thư được gởi. Người nhận thư có quyền bán, trao tặng, hoặc hủy bỏ thư hay email, nhưng không có quyền xuất bản hoặc đăng công khai nội dung bức thư. Việc xuất bản hoặc đăng công khai toàn văn bức thư cần được sự cho phép của người giữ bản quyền nội dung bức thư, người đó có thể là chính tác giả bức thư, những người được tác giả ủy thác bản quyền, hoặc những người thừa kế di sản của tác giả. Để cho dễ hình dung, có thể xem hai bức thư Nguyễn Huy Thiệp gởi Nguyễn Hưng Quốc như hai sáng tác mà Nguyễn Huy Thiệp chép tặng Nguyễn Hưng Quốc. Nguyễn Hưng Quốc sở hữu tờ giấy với thủ bút của Nguyễn Huy Thiệp, nhưng không sở hữu bản quyền hai sáng tác đó. Ở Mỹ, bản quyền này được công nhận suốt đời tác giả cộng với 70 năm sau ngày tác giả mất. Ở những quốc gia khác, số năm có thể thay đổi chút ít. Cuốn The Letters of T.S. Eliot đã được xuất bản với sự cho phép và biên tập chặt chẽ của người vợ thứ hai của T.S Eliot là bà Esmé Valerie Eliot. Cuốn Thư Võ Phiến thì Nguyễn Hưng Quốc đã làm với sự đồng ý của chính nhà văn Võ Phiến khi Võ Phiến còn sống.
Tóm lại, trong trường hợp hai bức thư của Nguyễn Huy Thiệp, tôi nghĩ Nguyễn Hưng Quốc không nên đăng toàn văn nếu không có sự đồng ý của Nguyễn Huy Thiệp trước đây hoặc những người đang giữ bản quyền tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp hiện nay. Nguyễn Hưng Quốc tuy vậy vẫn có thể tóm tắt nội dung và trích dẫn vài đoạn từ hai bức thư này trong bài viết của ông, như cách trích dẫn trong nghiên cứu, phê bình. Điều này có thể được chấp nhận theo các quy ước của luật “Sử Dụng Hợp Lý” (“Fair Use”).
Tôi hy vọng những điều tôi nêu trên về căn bản là đúng, và chúng sẽ hữu ích cho các vấn đề liên quan đến thư tín trong văn giới.
Sau cùng tôi muốn đặt câu hỏi với những người đã phản đối việc Nguyễn Hưng Quốc đăng hai bức thư của Nguyễn Huy Thiệp. Nếu hai bức thư đó có nội dung khác một chút so với hai bức thư đã đăng, theo hướng mà quý vị nghĩ là có lợi cho hình ảnh của Nguyễn Huy Thiệp, quý vị có phản đối không? Hay quý vị sẽ cảm ơn Nguyễn Hưng Quốc đã giữ gìn và chia sẻ “di sản tinh thần” của Nguyễn Huy Thiệp? Với cá nhân tôi, hai bức thư đó giúp tôi hiểu nhiều hơn về Nguyễn Huy Thiệp như một tác giả, và cảm thông với ông hơn như một con người. Có điều, cách mà chúng xuất hiện thì không ổn thỏa về mặt bản quyền.

Nhận xét