QUYỀN BÍ MẬT ĐỜI TƯ theo quy định của pháp luật dân sự - Tác giả Lê Văn Sua
.
Cho đến nay, pháp luật nước ta vẫn chưa có quy định rõ ràng về “bí mật
đời tư” là gì, phạm vi của “bí mật đời tư” như thế nào, mà chỉ có
một số quy định về vấn đề này trong Hiến pháp năm 2013; Bộ luật Dân sự năm 2005
(BLDS); Luật Giao dịch điện tử năm 2005 (Luật GDĐT); Bộ luật hình sự năm 1999
(sửa đổi, bổ sung năm 2009 - BLHS). Mà theo đó:
- Điều 21 Hiến pháp năm 2013 có quy định:
“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật
cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được
pháp luật bảo đảm an toàn
2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình
thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ
trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin
riêng tư của người khác”
- Tại Điều 38 BLDS hiện hành, có quyền bí mật đời tư, như sau:
“1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo
vệ.
2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải
được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi
dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành
niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố
thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của
cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện
tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và
phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”
Khoản 2 Điều 46 Luật GDĐT quy định:“Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được
sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ
quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao
dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy
định khác.”
- Điều 25 Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989 có quy địnhvề trách nhiệm
của thầy thuốc “… phải giữ bí mật về những điều có liên quan đến bệnh
tật hoặc đời tư mà mình được biết về người bệnh”.
- Điều 125 BLHS có quy định Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện
thoại, điện tín của người khác, như sau:
“1. Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác
được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái
pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người
khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi
phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc
phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải
tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi
triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.”
Do luật và các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành chưa có
hướng dẫn cụ thể và cũng không quy định chi tiết thế nào là “bí mật đời tư”,
nên đây cũng là vấn đề pháp lý gây tranh cãi nhiều nhất. Ý kiến chung nhất của
các chuyên gia thì cho rằng “bí mật” là thông tin cần được che giấu, không công
khai, chỉ một số ít người liên quan được biết. Ví dụ, nếu một đám cưới diễn ra
công khai, nhiều người biết đến, tất nhiên sẽ không là chuyện “bí mật”. Còn vì
sao có lễ cưới đó, có thể riêng tư vì một lý do tế nhị nào đó. Tuy nhiên nếu lý
do này được nêu công khai từ một bên gia đình cô dâu hay gia đình chú rể của lễ
cưới ấy, có lẽ mọi chuyện cũng khó thể gọi là “bí mật đời tư”. “Bí
mật đời tư” là một cụm từ Hán - Việt, có nguồn gốc từ chữ Hán và được Việt
hóa. Do đó, có thể hiểu “bí mật” là những chuyện kín đáo, chuyện muốn che
giấu, không muốn ai biết. “Tư” ở đây có nghĩa là riêng, việc riêng, của riêng.
Như vậy, “bí mật đời tư” là chuyện thầm kín của một cá nhân nào đó. Bởi
pháp luật hiện hành tuy có quy định nhưng không rõ ràng, thiếu cụ thể , nên đã
gây khó khăn cho người dân khi muốn tiếp cận những thông tin cần thiết, mà theo
họ, là “chứng cứ” cần thiết và quan trọng của vụ kiện dân sự, chính vì lẽ đó,
trong nhiều trường hợp cơ quan chức năng đã vô tình đẩy người đi kiện vào “ngõ
cụt” chỉ vì thiếu thống nhất chung về nhận thức thế nào là “quyền bí mật đời
tư”. Dưới đây là trường hợp cụ thể, tác giả xin được dẫn chứng để minh họa
cho nhận định trên.
Theo đơn khởi kiện ngày 13/02/2014 của bà Nguyễn Thị L. (trú tại ấpT, xã T.H, huyện C, tỉnh T), trình bày: Ngày 12/5/1991 cha của bà là cụ Nguyễn H. có nhận sang nhượng của cụ Phạm Văn V. (cùng ngụ tại địa chỉ trên) một thửa đất có diện tích 187m2 (chiều rộng 7,5m x chiều dài 25m) với số tiền là 1.500.000 đồng, nội dung giao dịch này được thể hiện trên giấy viết tay có chữ ký của bên sang nhượng, bên nhận sang nhượng cùng hai người làm chứng là ông Dương Văn Nh., Phạm Văn S. và được lãnh đạo UBND xã T.H ký xác nhận vào ngày 12/10/1991. Sau khi lập hồ sơ thủ tục theo quy định, ngày 11/10/1999 bà L được UBND huyện C cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) với diện tích 187m2 loại đất thổ quả, thuộc thửa 2760, tờ bản đố số 01, tọa lạc tại ấp T, xã T.H, huyện C, tỉnh T. Cũng theo hồ sơ kê khai xin cấp GCNQSDĐ của bà L. thể hiện: Chiều rộng hai cạnh của thửa đất tiếp giáp với Quốc lộ IA và tiếp giáp với mí gò đất đều là 7,5m, nhưng qua đo đạc thực tế sau khi phát sinh tranh chấp cho thấy, chiều rộng tiếp giáp với Quốc lộ IA là 7,38m; chiều rộng tiếp giáp mí gò đất chỉ còn là 6,72m. Sở dĩ có sự khác biệt về số liệu đo đạc trên thực tế với số liệu trích lục bản đồ vị trí thể hiện trên GCNQSDĐ, là do bà Đoàn Thị N. năm 2004 khi làm nhà ở cạnh thửa đất của bà L. đã lấn chiếm, cụ thể chiều rộng thửa đất tiếp giáp Quốc lộ IA, bị bà N. lấn qua 0,11m với chiều dài 8,8m; chiều rộng tiếp giáp mí gò bị bà N. lấn qua 0,78m với chiều dài 6,95m. Bà L. đề nghị TAND huyện C tuyên buộc cụ V. và bà N. có trách nhiệm giao trả toàn bộ phần diện tích đất đã lấn chiếm gần 7m2.
Phía bị đơn là cụ Phạm Văn V. và bà Đoàn Thị N. trình bày: Việc cụ V. sang nhượng cho cụ H. tại thời điểm khoảng tháng 5/1991 một thửa đất với giá 1.500.000 đồng là đúng sự thật, nhưng diện tích sang nhượng chỉ là 120m2 (chiều rộng 6,0m; chiều dài 20,0m), chứ không phải diện tích 187m2 như trong Đơn xin sang nhượng đất, mà phía bà L. cung cấp. Hơn nữa, hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ cho bà L. có dấu hiệu giả chữ ký, vì bản thân cụ V. và bà N. cũng như những thành viên khác trong gia đình, không ai ký tên xác nhận “tứ cận” (giáp ranh với phần đất của người kế bên) vào hồ sơ kê khai xin cấp GCNQSDĐ của bà L., điều đó dẫn đến việc gia đình bà không hề hay biết việc phía bà L. làm thủ tục đề nghị UBND huyện C cấp GCNQSDĐ, mà cha của bà đã sang nhượng lên đến 187m2.
Theo đơn khởi kiện ngày 13/02/2014 của bà Nguyễn Thị L. (trú tại ấpT, xã T.H, huyện C, tỉnh T), trình bày: Ngày 12/5/1991 cha của bà là cụ Nguyễn H. có nhận sang nhượng của cụ Phạm Văn V. (cùng ngụ tại địa chỉ trên) một thửa đất có diện tích 187m2 (chiều rộng 7,5m x chiều dài 25m) với số tiền là 1.500.000 đồng, nội dung giao dịch này được thể hiện trên giấy viết tay có chữ ký của bên sang nhượng, bên nhận sang nhượng cùng hai người làm chứng là ông Dương Văn Nh., Phạm Văn S. và được lãnh đạo UBND xã T.H ký xác nhận vào ngày 12/10/1991. Sau khi lập hồ sơ thủ tục theo quy định, ngày 11/10/1999 bà L được UBND huyện C cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) với diện tích 187m2 loại đất thổ quả, thuộc thửa 2760, tờ bản đố số 01, tọa lạc tại ấp T, xã T.H, huyện C, tỉnh T. Cũng theo hồ sơ kê khai xin cấp GCNQSDĐ của bà L. thể hiện: Chiều rộng hai cạnh của thửa đất tiếp giáp với Quốc lộ IA và tiếp giáp với mí gò đất đều là 7,5m, nhưng qua đo đạc thực tế sau khi phát sinh tranh chấp cho thấy, chiều rộng tiếp giáp với Quốc lộ IA là 7,38m; chiều rộng tiếp giáp mí gò đất chỉ còn là 6,72m. Sở dĩ có sự khác biệt về số liệu đo đạc trên thực tế với số liệu trích lục bản đồ vị trí thể hiện trên GCNQSDĐ, là do bà Đoàn Thị N. năm 2004 khi làm nhà ở cạnh thửa đất của bà L. đã lấn chiếm, cụ thể chiều rộng thửa đất tiếp giáp Quốc lộ IA, bị bà N. lấn qua 0,11m với chiều dài 8,8m; chiều rộng tiếp giáp mí gò bị bà N. lấn qua 0,78m với chiều dài 6,95m. Bà L. đề nghị TAND huyện C tuyên buộc cụ V. và bà N. có trách nhiệm giao trả toàn bộ phần diện tích đất đã lấn chiếm gần 7m2.
Phía bị đơn là cụ Phạm Văn V. và bà Đoàn Thị N. trình bày: Việc cụ V. sang nhượng cho cụ H. tại thời điểm khoảng tháng 5/1991 một thửa đất với giá 1.500.000 đồng là đúng sự thật, nhưng diện tích sang nhượng chỉ là 120m2 (chiều rộng 6,0m; chiều dài 20,0m), chứ không phải diện tích 187m2 như trong Đơn xin sang nhượng đất, mà phía bà L. cung cấp. Hơn nữa, hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ cho bà L. có dấu hiệu giả chữ ký, vì bản thân cụ V. và bà N. cũng như những thành viên khác trong gia đình, không ai ký tên xác nhận “tứ cận” (giáp ranh với phần đất của người kế bên) vào hồ sơ kê khai xin cấp GCNQSDĐ của bà L., điều đó dẫn đến việc gia đình bà không hề hay biết việc phía bà L. làm thủ tục đề nghị UBND huyện C cấp GCNQSDĐ, mà cha của bà đã sang nhượng lên đến 187m2.
Để có chứng cứ giao nộp cho Tòa án để bảo vệ quan điểm của mình, bà Đoàn
Thị N. làm đơn gửi đến Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi
trường tỉnh T, yêu cầu trích lục hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất và hồ sơ cấp
GCNQSDĐ đối với bà Nguyễn Thị L. vào năm 1999. Ngày 17/12/2015, Văn phòng đăng
ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh T, ban hành Công văn số
4314/TL-VPĐK trả lời yêu cầu của bà Đoàn Thị N., mà theo đó, tại điểm 2 của
Công văn này có viết: “ …Căn cứ vào Điều 38 của Bộ luật Dân sự ngày
14/6/2005 quy định như sau:“việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư
của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất
năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ,
chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường
hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức
có thẩm quyền. Do đó, Văn phòng Đăng ký đất đai không thể trích lục hồ sơ của
bà Nguyễn Thị L. theo yêu cầu của bà được.””
Vấn đề đặt ra, việc Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi
trường tỉnh T, viện dẫn Điều 38 BLDS và cho rằng nếu thực hiện nội dung yêu cầu
trích lục hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ đối với bà Nguyễn Thị L. là xâm phạm đến quyền
bí mật đời tư của đương sự, nên đã từ chối yêu cầu của bà N. có phù hợp với quy
định của pháp luật không? Xoay quanh vấn đề này, hiện có các loại quan điểm
sau:
- Quan điểm thứ nhất: Bí mật đời tư của cá nhân được hiểu là những gì gắn với
nhân thân con người, bao gồm những thông tin, tài liệu, hình ảnh về cá nhân,
việc làm, tình yêu, gia đình, các mối quan hệ… gắn liền với một cá nhân mà
người này giữ kín, không muốn để “lộ ra” cho người khác biết. Nói cách khác, bí
mật đời tư có thể hiểu là chuyện riêng của người này mà không muốn cho người
khác biết. Những bí mật đời tư này chỉ có bản thân người đó biết hoặc những người
thân thích, người có mối liên hệ với người đó biết và họ chưa từng công bố ra
ngoài cho bất kỳ ai. “Bí mật đời tư” có thể hiểu là “chuyện trong nhà”
của cá nhân nào đó. Ví dụ: con ngoài giá thú, di chúc, hình ảnh cá nhân, tình
trạng sức khỏe, bệnh tật, các loại thư tín, điện thoại, điện tín…”. Vì thế nên,
bất cứ ai thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư cá nhân người khác,
không phân biệt những thông tin, tư liệu ấy đang được cá nhân đó giữ bí mật hay
đã được cá nhân đó để lộ ra mà không được sự đồng ý của cá nhân đó đều là xâm
phạm bí mật đời tư. Hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ đối với bà Nguyễn Thị L. là vấn đề
thuộc về quyền riêng tư cá nhân, nên việc Văn phòng Đăng ký đất đai từ chối đáp
ứng yêu cầu của bà N. tại Công văn số 4314/TL-VPĐK là có căn cứ.
- Quan điểm thứ hai: Bí mật đời tư là những thông tin, tư liệu (gọi
chung là thông tin) về tinh thần, vật chất, quan hệ xã hội hoặc những thông tin
khác liên quan đến cá nhân trong quá khứ cũng như trong hiện tại, được pháp
luật bảo vệ và những thông tin đó được bảo mật bằng những biện pháp mà pháp
luật thừa nhận. Mặc dù Điều 38 BLDS không đưa ra khái niệm bí mật đời tư, nhưng
theo lẽ thông thường có thể hiểu bí mật đời tư là những thông tin, tư liệu liên
quan đến cá nhân mà cá nhân đó không muốn cho người khác biết. Trong hoàn cảnh
pháp luật hiện chưa có quy định rõ ràng về khái niệm và phạm vi “bí mật đời
tư ” thì xét ở góc độ nghĩa của từ ngữ theo từ điển tiếng Việt, bí mật
đời tư của cá nhân được hiểu là những gì thuộc về đời sống riêng tư của cá nhân
(thông tin, tư liệu…) được giữ kín, không công khai, không tiết lộ ra. Còn
nếu các thông tin, tư liệu cá nhân đã được công khai, lộ ra thì không còn là bí
mật đời tư nữa. Do đó, cần hiểu bí mật đời tư của cá nhân là những thông tin,
tư liệu mà chỉ mỗi cá nhân đó biết và quyết giữ bí mật.
Từ cách tiếp cận vấn đề như vậy, những người ủng hộ quan điểm này cho rằng:
Sở dĩ, bà N. yêu cầu được cấp trích hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất và hồ sơ cấp
GCNQSDĐ đối với bà Nguyễn Thị L., là do giữa đôi bên có tranh chấp về việc
chuyển nhượng quyền sử dụng đất trước đó và hiện tại phía bà L. đã được UNND
huyện C cấp GCNQSD diện tích đất được sang nhượng. Nhưng theo bà N., hồ sơ xin
xác lập chủ quyền diện tích đất được sang nhượng đã có sự giả mạo chữ ký
của cụ V. (người sang nhượng), hơn nữa, diện tích đất sang nhượng thực tế là
120 m2, nhưng thực tế khi bà L. được cấp GCNQSDĐ lên đến 187 m2, trong khi theo
quy định của pháp luật, là người sử dụng đất giáp ranh với đất của bà L., cụ V.
hay bà N. phải ký tên xác nhận “tứ cận” – đất không có tranh chấp là mới đúng.
Hồ sơ và quy trình, thủ tục cấp GCNQSDĐ theo quy định của của pháp luật là công
khai. Cụ thể, Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính
phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ
quan hành chính nhà nước ở địa phương; Thông tư liên tịch số
14/2008/TTLT/BTC-BTNMT ngày 31/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi
trường Quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ tái định cư và trình tự thủ tục
thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất; Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT ngày
21/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
Thông tư số 20/2010/TT-BTNMT ngày 22/10/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi
trường quy định bổ sung về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà
ở và tài sản khác gắn liền với đất;Thông tư số 16/2010/TT-BTNMT ngày 20/5/2010
của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định sửa đổi, bổ sung một số nội
dung liên quan đến thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai;… mà theo đó, với thủ
tục cấp GCNQSĐ cho cá nhân trong mọi trường hợp đều được công chức địa chính và
UBND cấp xã công bố công khai kết quả kiểm tra về nguồn gốc đất, thời điểm sử
dụng đất, tình trạng tranh chấp quyền sử dụng đất, sự phù hợp với quy
hoạch,…tại trụ sở UBND cấp xã. Một khi tất cả các thông tin có liên quan về hồ
sơ xin cấp GCNQSDĐ được công bố công khai thì tại trụ sở UBND cấp xã thì rõ
ràng không còn là bí mật đời tư của cá nhân đó. Nếu hiểu thu nhập và tài sản
hợp pháp của cá nhân có được là “bí mật đời tư”, theo tác giả là hoàn
toàn sai lầm, bởi đã là thu nhập hợp pháp thì cớ gì phải giấu giếm, phải che
đậy không muốn người khác biết. Mỗi người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền
cấp GCNQSD bao nhiêu thửa đất, loại đất; diện tích sử dụng nhà ở bao nhiêu m2,
loại nhà ở,… hoàn toàn không thuộc về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí
mật của gia đình người đó. Hơn nữa, Điều 26a Luật Phòng chống tham nhũng năm
2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) có quy định về công khai bản kê khai tài sản,
mà theo đó, việc công khai bản kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai
được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm
việc, như vậy, với đối tượng bắt buộc phải có nghĩa vụ kê khai tài sản theo
luật quy định, thì Nhà nước đã xâm phạm “quyền bí mật đời tư” của tất cả
họ sao? Cho dù, bà L. không là đối tượng thuộc diện người có nghĩa vụ kê khai
tài sản theo Điều 7 Nghị định 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ, về
minh bạch tài sản thu nhập, nhưng tài sản là quyền sử dụng 187 m2 đất bà L.
đang là đối tượng của vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, mà TAND huyện C đang
thụ lý và cũng theo bị đơn hồ sơ thể hiện việc sang nhượng diện tích đất mà bà
L. cung cấp cho cơ quan chức năng là giả mạo, thì lẽ ra cơ quan có chức năng
phải tạo điều kiện hơn nữa để bà N. bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình
là mới đúng. Do đó, việc Văn phòng Đăng ký đất đai từ chối yêu cầu của bà N.
bằng việc vận dụng Điều 38 BLDS là thiếu cơ sở pháp lý và không thuyết phục,
nếu không muốn nói đó là sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, là sự quan liêu của người
có thẩm quyền.
Tác giả đồng ý với quan điểm này. “Quyền bí mật đời tư” là quyền
nhân thân bất khả xâm phạm của cá nhân. Về cơ bản có thể hiểu rằng quyền bí mật
đời tư của cá nhân là quyền được bảo vệ về bí mật đời tư, nói cách khác không
ai được quyền xâm phạm đến bí mật đời tư của cá nhân khi chưa được phép. Như
vậy, có thể thấy rằng “quyền bí mật đời tư” được xây dựng trên khái niệm
“bí mật đời tư”. Muốn xác định được phạm vi của “quyền bí mật đời tư”
đòi hỏi chúng ta phải xác định khái niệm về “bí mật đời tư” là gì.
Quy định về “quyền bí mật đời tư” đã được đề cập tới ngay trong bản
Hiến pháp đầu tiên của nước ta. Theo đó, Hiến pháp 1946 có quy định: “Tư
pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm công dân Việt Nam . Nhà ở
và thư tín của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một
cách trái pháp luật”. Điều này đã cho thấy rằng, từ khi mới thành lập,
Nhà nước ta đã quan tâm và bảo vệ cho quyền riêng tư của công dân. Trải qua các
thời kỳ phát triển khác nhau, các bản Hiến pháp của nước ta vẫn giữ quy định về
việc bảo đảm quyền riêng tư của cá nhân với phạm vi bảo vệ ngày càng mở rộng
hơn. Tuy nhiên, có thể thấy rằng các bản Hiến pháp này chỉ quy định việc bảo vệ
bí mật đời tư của công dân đối với thư tín, điện thoại, điện tín mà thôi, tức
là phạm vi quyền bí mật đời tư còn tương đối hẹp. Đến Hiến pháp năm 2013, quyền
bí mật đời tư của cá nhân đã được tiếp cận theo cách khác, mà theo đó, như Điều
21 Hiến pháp năm 2013 mà tác giả đã trích dẫn ở phần trên. Hiến pháp 2013 đã mở
rộng hơn rất nhiều đối với quyền bí mật đời tư, theo đó không chỉ bao gồm thư
tín, điện thoại, điện tín mà tất cả các vấn đề về đời sống riêng tư, bí mật cá
nhân và bí mật gia đình đều được pháp luật bảo vệ.
Tiếp thu quan điểm tiến bộ này, Bộ luật Dân sự năm 2015 (sẽ có hiệu lực từ
ngày 01/01/2017), mà theo đó, Điều 38 có quy định về quyền về đời sống riêng
tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, như sau:
“1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm
và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời
sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu
giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các
thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao
đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng
tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá
trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Tham khảo, quy định của pháp luật một số quốc gia trên thế giới, có thể
thấy rằng “quyền bí mật đời tư” được hầu hết các nước thừa nhận với tên
gọi và phạm vi khác nhau. Chẳng hạn:
BLDS Pháp ghi nhận mọi người đều có quyền được tôn trọng đời tư của mình và
quyền riêng tư này được pháp luật bảo vệ bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy
nhiên, giống như BLDS Việt Nam, BLDS Pháp không có quy định hướng dẫn cụ thể về
khái niệm cũng như phạm vi những quyền riêng tư này như thế nào. Ngày
13/4/1988, Tòa án tối cao Pháp đã có phán quyết giải thích về phạm vi của quyền
riêng tư, theo đó thì đời sống riêng tư của một người bao gồm: Đời sống
tình cảm, bạn bè, gia đình, sinh hoạt hằng ngày, quan điểm chính trị, công việc
làm ăn hay tư tưởng tôn giáo và tình trạng sức khỏe. Hiểu một cách chung
nhất quyền riêng tư cho phép mọi người không phân biệt giai cấp, độ tuổi hay
tài chính chống lại hành vi xâm phạm mà không được sự cho phép của họ. Như vậy,
có thể thấy rằng theo BLDS Pháp thì quyền riêng tư của mọi cá nhân là như nhau.
Đồng thời phạm vi bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân là rất rộng, bao gồm các
thông tin được đưa ra cả tại nơi công cộng lẫn nơi riêng tư của cá nhân. Tuy
nhiên, nếu như cá nhân chủ động công bố những thông tin đó thì sẽ không được
coi là bí mật đời tư nữa.
Hiến pháp Nhật tại Điều 13 ghi nhận rằng công dân có quyền sống, tự do và theo đuổi hạnh phúc và được tôn trọng với tư cách là một công dân. Đây là quy định làm nền tảng cho những quy định của pháp luật chuyên ngành về quyền bí mật đời tư như: Công dân không được phép xây nhà có thể nhìn vào nhà của người khác, nghiêm cấm nhìn ngó nơi cư ngụ của người khác hay đọc thư cá nhân của người khác. Năm 2003, Nhật Bản ban hành Luật Bảo vệ những thông tin cá nhân, trong đó quy định những thông tin về cá nhân sẽ được bảo vệ nếu thỏa mãn:
Hiến pháp Nhật tại Điều 13 ghi nhận rằng công dân có quyền sống, tự do và theo đuổi hạnh phúc và được tôn trọng với tư cách là một công dân. Đây là quy định làm nền tảng cho những quy định của pháp luật chuyên ngành về quyền bí mật đời tư như: Công dân không được phép xây nhà có thể nhìn vào nhà của người khác, nghiêm cấm nhìn ngó nơi cư ngụ của người khác hay đọc thư cá nhân của người khác. Năm 2003, Nhật Bản ban hành Luật Bảo vệ những thông tin cá nhân, trong đó quy định những thông tin về cá nhân sẽ được bảo vệ nếu thỏa mãn:
a) Liên quan đến đời sống của cá nhân;
b) Có thể dùng để xác định, phân biệt một công dân.
Tòa án Nhật Bản đã giải thích quyền về bí mật đời tư của cá nhân, bao gồm:
i) Quyền không bị công bố thông tin cá nhân nếu không có lý do chính đáng;
ii) Quyền quyết định đối với thông tin cá nhân.
Cũng theo Tòa án Nhật Bản, để xác định có sự vi phạm về quyền bí mật đời tư
hay không phải đảm bảo các yêu cầu sau:
i). Có liên quan đến đời sống riêng tư của cá nhân.
ii). Cá nhân đó có mong muốn giữ bí mật.
iii). Không phải là thông tin, hiểu biết công cộng.
iv). Gây ảnh hưởng nặng nề đối với cá nhân nếu bị xâm phạm.
Hội đồng Calcutt ở Vương quốc Anh cho rằng: “không nơi nào chúng ta có
thể tìm thấy một định nghĩa hoàn toàn thỏa đáng về quyền riêng tư”. Nhưng
Hội đồng này đã hài lòng với định nghĩa sau: Quyền riêng tư là các quyền của cá
nhân được bảo vệ để chống lại sự xâm nhập vào đời sống cá nhân hay công việc
của mình (hoặc những người trong gia đình) bằng các phương tiện vật lý trực
tiếp hoặc bằng cách công bố thông tin.
Như vậy, nhìn chung có thể thấy rằng pháp luật các quốc gia trên thế giới
cũng nhìn nhận “quyền bí mật đời tư” dưới góc độ bảo vệ cho những thông
tin liên quan đến đời sống riêng tư của cá nhân mà người đó có mong muốn được
giữ bí mật. Trong trường hợp người đó chủ động công bố thông tin thì sẽ không
được coi là bí mật đời tư và sẽ không được pháp luật bảo vệ nếu như những thông
tin này được người khác sử dụng[1].
Kiến nghị
Từ những phân tích trên, tác giả đề xuất hai kiến nghị sau:
Thứ nhất, về nguyên tắc luật, “Quyền bí mật đời tư” là không đồng nhất với
khái niệm “Quyền riêng tư”. Quyền riêng tư cũng liên quan đến cá nhân,
tuy nhiên những vấn đề thuộc về riêng tư xét ở khía cạnh nào đó lại không được
coi là bí mật, mặc dù pháp luật vẫn bảo hộ những quyền này. Bất cứ cá nhân nào
cũng có sự tự do trong suy nghĩ, hành động – đây là sự “riêng tư” của chính họ.
Lẽ dĩ nhiên, nếu là sự tự do trong suy nghĩ thì vấn đề không có gì phức tạp,
bởi không ai có thể bắt người khác phải suy nghĩ theo ý muốn của mình. Ngược
lại, nếu là sự tự do trong hành động thì điều đó còn phụ thuộc vào các yếu tố
khác như luật pháp, quan hệ với những người xung quanh, sự tác động của phong
tục tập quán, thói quen…
Có thể thấy, pháp luật nói chung, pháp luật Việt Nam nói riêng luôn tôn trọng sự
riêng tư của cá nhân (quyền bất khả xâm phạm chỗ ở, quyền lựa chọn công việc
cho phù hợp với khả năng và điều kiện của bản thân, quyền tự do ngôn luận, tự
do tín ngưỡng…). Như vậy, để có thể hiểu được “Quyền bí mật đời tư” thì phải
xây dựng được khái niệm “bí mật đời tư”. Và việc xây dựng khái niệm “bí
mật đời tư” phải xác định được hai khái niệm cũng như sự liên kết của hai
khái niệm, đó là khái niệm “bí mật” và khái niệm “đời tư”. Theo quan điểm của
tác giả, tính “bí mật” trong khái niệm “bí mật đời tư” chỉ mang tính tương đối.
Điều này có nghĩa là, cùng một nội dung vụ việc có tính chất như nhau, đối với
người này có thể là bí mật, nhưng đối với người khác thì đây chỉ là một thông
tin bình thường, có thể công bố rộng rãi và cá nhân có mong muốn giữ bí mật đối
với những thông tin đó không. Do vậy, theo quan điểm đề xuất của tác giả, “Bí
mật đời tư” thực chất là những thông tin liên quan đến cuộc sống
của một cá nhân nhất định mà cá nhân đó thấy rằng cần thiết và mong muốn giữ bí
mật. “Quyền bí mật đời tư” và “quyền được bảo đảm về đời sống
riêng tư, bí mật cá nhân” là giống nhau về bản chất, đều là sự bảo vệ đối với
những thông tin liên quan đến cuộc sống riêng của cá nhân.
Thứ hai, phạm vi những thông tin thuộc về “bí mật đời tư” của mỗi cá nhân.
Vấn đề đặt ra, có phải mọi thông tin thuộc về cá nhân mà cá nhân muốn giữ
bí mật sẽ trở thành “bí mật đời tư” và được pháp luật bảo vệ. Vấn đề này
hiện đang có hai quan điểm sau:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng, những thông tin muốn được coi là “bí
mật đời tư” phải là những thông tin hợp pháp. Bởi lẽ, đối với những thông
tin trái pháp luật hay đạo đức xã hội thì pháp luật sẽ không bảo vệ, và như vậy
sẽ không được coi là “bí mật đời tư” được.
- Quan điểm thứ hai, không nên quá cứng nhắc mà nên có sự linh hoạt để áp
dụng vào từng trường hợp cụ thể. Ví dụ, trường hợp con đánh bố mẹ, hay chồng
hành hạ vợ, thì dù có là vấn đề riêng tư, cá nhân, thì xã hội, các tổ chức đoàn
thể địa phương và những người xung quanh cũng không thể không can thiệp và lên
tiếng, vì đó là hành vi bất hợp pháp. Tuy nhiên, với một trẻ em dưới 14 tuổi mà
bị dâm ô hoặc bị người thành niên giao cấu, việc dư luận xã hội lên án đối
tượng hiếp dâm, báo chí phanh phui sự việc là đương nhiên, nhưng không vì thế
mà làm tổn thương thêm danh dự, nhân phẩm của đứa bé đó, kể cả trường hợp nạn
nhân có sự “đồng tình” đi chăng nửa, thì phải xác định được rằng, do sự hạn chế
về mặt nhận thức của một đứa trẻ chưa đến tuổi trưởng thành. Vì vậy, theo quy
định tại Điều 116 và Điều 115 BLHS hiện hành, người thực hiện hành vi phạm tội
phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, khi xét xử, căn cứ quy định tại ý 2 Điều
18 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Tòa án xét xử kín, nhưng tuyên án công
khai. Thực hiện đúng quy định này là cần thiết, nhằm bảo vệ lợi ích cho nạn
nhân, vì nó có thể còn liên quan đến lợi ích của họ sau này nữa.
Người viết đồng ý với quan điểm này, có nghĩa cần linh động trong việc xác
định thông tin nào được cho là “bí mật đời tư”. Có nghĩa là về nguyên
tắc thì không phải mọi thông tin về đời sống riêng tư mà cá nhân không muốn
công khai sẽ trở thành “bí mật đời tư” mà muốn được pháp luật bảo vệ thì những
thông tin này phải hợp pháp. Tuy nhiên, để xác định “tính hợp pháp” này phải
căn cứ vào từng trường hợp, hoàn cảnh sự việc cụ thể, mà ưu tiên hàng đầu đặt
ra là bảo vệ tốt nhất cho quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân người trong
cuộc.
Th.S Lê Văn Sua
Nhận xét
Đăng nhận xét